Năng lượng
Có lần, một chapter bị suy yếu, thành viên dần bỏ đi, sụt giảm năng lượng… Ban điều hành tìm đến tôi kêu cứu. Câu hỏi lớn họ đặt ra là, họ phải làm thế nào để tái cấu trúc chapter, không để chapter phải đóng cửa?
Ai đánh cắp năng lượng của tôi? Khi một vấn đề xảy ra, dẫn tới hậu quả xấu, mọi người thường tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài, nên thường đổ lỗi loanh quanh. Khi đã tìm nguyên nhân từ bên ngoài, thì khó có thể giải quyết tận gốc của vấn đề, để mà cải thiện tình hình. Họ kêu ca rằng, chapter không có năng lượng, không có cơ hội kinh doanh, các thành viên bỏ đi gần hết, họ đuổi theo năn nỉ, níu kéo mà thành viên không trở lại! Để tác động sâu tới tâm trí của những người đang bị trói bởi thói quen đổ lỗi cho xung quanh, khi tất cả các thành viên đều nói một câu là chapter của chúng tôi “mất năng lượng”, “không có cơ hội kinh doanh” … Tôi buột miệng hỏi họ: – Ai đã đánh cắp năng lượng của anh chị? – Ai đã lấy mất cơ hội kinh doanh của anh chị? Câu hỏi và cách hỏi mang tính thức tỉnh. Thực ra câu trả lời đã nằm trong chính họ. Nguyên nhân cũng ở trong tâm trí và hành động của họ. Họ hoàn toàn có khả năng thay đổi và tạo nên chapter mạnh. Năng lượng có hay không là ở chính mình, cơ hội kinh doanh là do mình tạo ra. Khi thức tỉnh, họ được điều hướng tư duy, hành động đúng đắn, nhiệt tình. Họ họp lại với nhau, phân công mỗi người một việc, mời thêm khách, tích cực tìm kiếm cơ hội để trao cho nhau… nhiệt lượng tăng lên mỗi ngày, và chapter được sống lại, lớn mạnh hơn trước. Nguyên nhân chung khiến chapter hoạt động không hiệu quả, đó là không tuân thủ quy trình. Khi mới tham gia chapter, các thành viên thấy có những điều lạ, thì chịu lắng nghe và tuân theo. Nhưng hoạt động được một thời gian, họ nghĩ là mình đã biết cả, và bị thói quen tùy tiện lấn át. Chưa thành thạo đã muốn sáng tạo. Họ đưa ra thật nhiều ý kiến khiến Ban điều hành nao núng. Và khi không kiên quyết tuân theo quy trình, thuận theo một số ý kiến thay đổi “sáng tạo” nào đó của thành viên, hoạt động của chapter lập tức có vấn đề. Mà càng có vấn đề, thành viên càng đưa ra thêm ý kiến khác nhau, khiến Ban điều hành càng chao đảo, mọi việc rối như mớ bòng bong… Khi đó, cần có người dẫn dắt đủ bản lĩnh, đủ kinh nghiệm và sự quyết đoán để uốn nắn và đưa chapter trở lại đúng lộ trình.
Mắng mỏ không phải là ghét bỏ
“Tìm bạn mà chơi”, tôi chú ý tìm những người giỏi hơn mình để chơi, hay nói cách khác là để học. Người nào đã thành bạn và chơi lâu với tôi, thì đồng thời cũng là thầy của tôi. Học được điều gì hay từ bạn, tôi về truyền đạt lại cho các thành viên BNI để mọi người cùng tiến bộ. Các thành viên qua thời gian cũng đã hiểu cá tính của tôi. Lắm khi vì tập trung cao độ cho mục tiêu, và cả tốc độ làm việc, tôi cũng lớn tiếng la mắng. Tôi rất xin lỗi và biết là nóng nảy không tốt. Nhưng các thành viên BNI đều cho rằng, chị Quyên mắng mỏ ai đó, không có nghĩa là ghét bỏ. Tôi chỉ muốn đồng hành và kéo các thành viên cùng đi, tiến bước tới mục tiêu, dũng cảm gạt đi những gì cản trở mình, những điều không xứng đáng mà lại làm phí thời gian. Các thành viên thậm chí còn nói đùa với nhau rằng, được chị Quyên mắng lại là may, nghĩa là đời bạn còn có cơ hội “bay” lên được. Nếu như chị ấy không còn nói gì với bạn nữa, thì bạn hỏng, bạn đã không còn trong trí nhớ của chị, không còn là mối quan tâm của chị ấy nữa rồi.
Đặc điểm cá tính này của tôi ảnh hưởng phần nhiều từ John C. Maxwell. Ông nói, nếu bạn không còn việc gì làm thì hẵng chọn đầu tư vào người không có tiềm năng thay đổi; nếu không, hãy chọn đúng người có tiềm năng thay đổi để vươn lên và đầu tư vào họ, bởi bạn không có thời gian để chờ đợi. Những Giám đốc hỗ trợ trong BNI thường phải đầu tư nhiều thời gian, tâm sức, sự kiên nhẫn vô tận để giúp đỡ cộng đồng doanh nhân tiến bộ hàng ngày. Những người trong đội Giám đốc hỗ trợ của chúng tôi được mệnh danh là “Đội Giám đốc trong mơ”. Tại sao họ trở nên như vậy? Ban đầu, tôi không chọn những người quá xuất sắc làm Giám đốc hỗ trợ, tôi chọn những người bình thường và đồng hành với họ trong công việc, huấn luyện họ và ngày đêm chia sẻ những vui buồn, những thách thức. Dần dần, họ có chung đam mê cùng tôi, cam kết xây dựng cộng đồng BNI tích cực, liên kết kinh doanh hiệu quả, đoàn kết cùng phát triển. Do đó, họ dám đối mặt với những thách thức lớn và gặt hái uy tín, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của cộng đồng. Trong kinh doanh, không phải tiền bạc là thứ quan trọng nhất đối với doanh nhân, mà quan trọng nhất là uy tín. Nếu không xây dựng được uy tín, công ty của bạn không thọ quá 5 tuổi. Giám đốc hỗ trợ phải là những người cực kỳ đam mê công tác cộng đồng, hiểu sâu sắc rằng mình đang xây một cộng đồng doanh nhân biết kinh doanh minh bạch, biết đặt mục tiêu nâng tầm của mình và doanh nghiệp lên theo từng giai đoạn nhất định. Họ cần phát triển giá trị bản thân liên tục để đáp ứng nhu cầu công việc. Họ không còn ở vị trí lãnh đạo một doanh nghiệp với các cán bộ, công nhân viên bình thường. Họ đang phải lãnh đạo một tập thể các nhà lãnh đạo. Thách thức đối với họ là điều tất yếu trước khi họ đạt được uy tín giá trị. Là Giám đốc hỗ trợ, nếu bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn bị thất bại, thì bạn cần tiếp tục học cao lên nữa, “tu luyện” để võ công “thâm hậu” hơn nữa. Mỗi khi có một Giám đốc hỗ trợ thất bại, bỏ cuộc, tôi sẽ tiếp quản việc của người ấy. Tôi tiếp tục quy trình xin lỗi, đề nghị sự đồng cảm, giúp đỡ từ thành viên, từ đó mà sửa chữa những sai hỏng trong quá trình vận hành; tiếp tục chia sẻ, huấn luyện kiên trì cho đến khi có người xứng đáng hơn xuất hiện; và “Đội Giám đốc trong mơ” của chúng tôi lại có thêm một người trưởng thành.
Chia nhỏ để nhân rộng, cộng đồng của chúng tôi cứ lớn dần lên. Tôi tự động viên mình rằng sau 8 năm nỗ lực với BNI, đến nay tôi là người vô cùng hạnh phúc. Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra là tôi có thể chỉ cần lên tiếng, sẽ có ngay một người giúp đỡ, giải quyết vấn đề và cùng nhau vươn tới những thành công trên hành trình “Cho là Nhận”.
Kết nối với BNI Hanoi 2, bạn vui lòng liên hệ: https://www.bnihanoi2.com/
Trích sách: "Hành trình CHO LÀ NHẬN" - tác giả Nancy Quyên
Kommentare