Làm thế nào để lớn hơn thách thức
Lãnh đạo chính là ảnh hưởng và dẫn dắt. Trong một tổ chức, người nào có ảnh hưởng lớn nhất đối với đội nhóm, sẽ dẫn dắt được mọi người đi tới mục tiêu chung. Vì vậy, người lãnh đạo không những cần quy tụ được anh chị em, tạo cảm hứng và động lực để họ cùng hành động, mà còn phải biết động viên họ và phải quên mình vì tổ chức, sâu xa hơn là tạo ra giá trị cho người khác.
Làm thế nào để lớn hơn thách thức?
Khi bạn nói chuyện, câu chuyện của bạn phải đủ sức thu hút người khác. Câu chuyện của bạn cần dẫn dắt được người nghe đi từ trạng thái cảm xúc này sang trạng thái cảm xúc khác, từ ngạc nhiên, thán phục, gật gù, vui sướng vỡ òa, đến xúc động trào nước mắt… Câu chuyện của bạn có thể tạo nên ham muốn, khát khao, cũng có thể tạo nên nỗi sợ, thúc đẩy thành viên hành động, hướng tới mục tiêu tích cực. Nếu không làm được như thế, câu chuyện của bạn không thu hút được sự chú ý của thành viên, bạn càng nói nhiều càng khiến họ buồn ngủ. Các cụ nhà ta xưa có câu “Nói có người nghe, đe có người sợ”. Muốn như vậy, bạn phải học tập không ngừng, phải dấn thân thật sự trong hoạt động BNI, có đủ trải nghiệm thực tế và kiến thức được trang bị chuyên nghiệp nhất, phải rèn tập không ngừng kỹ năng dẫn dắt. Có như thế, bạn mới giữ được sự tập trung của các thành viên, khiến họ lắng nghe như nuốt từng lời của bạn. Có thành viên kể rằng, Giám đốc chapter của họ nói chuyện thiếu hấp dẫn. Giống như việc các thành viên đã học lên lớp ba rồi mà Giám đốc vẫn giảng họ nghe bài giảng dành cho trò mẫu giáo vậy. Như vậy là người Giám đốc đã bỏ quên một giá trị cốt lõi của BNI, đó là “Học tập suốt đời để lớn hơn thách thức”. Khi cả cộng đồng BNI rùng rùng chuyển động tiến lên từng ngày, thì bạn – người dẫn dắt đội nhóm – càng phải học tập điên cuồng để không ngừng phát triển tư duy, nâng cao tầm nhận thức, lớn mạnh lên cùng tổ chức. Chỉ cần một chút lười biếng, lơ là việc học tập mỗi ngày, rất nhanh chóng bạn sẽ thành cái nút chặn của tổ chức chứ không còn là người dẫn dắt nữa.
Đào tạo - nguồn năng lượng mạnh mẽ
Trải nghiệm tháng 9/2016 – tháng đỉnh cao của đào tạo cho BNI thật tuyệt. Theo tổng kết thì có hơn 500 lượt tham dự học cho các khóa của từng Ban điều hành chapter. Điều đó thể hiện kết quả của sự thay đổi phương pháp đào tạo và thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề của chúng tôi đối với chapter. Ngày lại ngày, số lượng anh chị em BNI khát khao tham dự các khoá đào tạo càng đông hơn, và cũng chính vì sự nhiệt tình đó mà những người giảng viên như chúng tôi có thêm một nguồn năng lượng mới mạnh mẽ. Buổi bàn giao Chủ tịch mới và cũ tại khu vực cũng rất năng lượng, tràn đầy nhiệt huyết, tình cảm và yêu thương. Chưa bao giờ tôi thấy niềm tin với đội ngũ LT lại mạnh mẽ như bây giờ. Đây là dấu hiệu của sự phát triển bùng nổ trong năm 2017.
29/9/2016 cũng là ngày ra mắt chapter Inspire – với 45 thành viên rất mạnh mẽ, nhiệt huyết như người Giám đốc mở Trần Khanh vậy. Rất nhiều người có nhận xét rằng chị Khanh và tôi có nhiều nét giống nhau về phong cách làm việc cũng như là hình thức bên ngoài. Tôi thì thấy cả tôi và Khanh đều giống nhau ở điểm là có tính D (trong DISC). Chiến lược hiện nay cho BNI khu vực chính là tăng tỉ lệ tái gia nhập cho thành viên từ 59% lên 65%, bằng các giải pháp như: hướng dẫn, cố vấn cho tất cả các thành viên mới chưa có referral qua webina, và mời trực tiếp lên văn phòng để các anh chị DnA thực hiện việc hướng dẫn này. Đồng thời, anh Bùi Cao Sơn sẽ lên chương trình Diễn đàn người hướng dẫn (mentor forum) để dìu dắt các hoạt động của Trưởng Ban hướng dẫn trong tháng này. Khi tôi huấn luyện cho một chị ở BNI Power, chị ấy luôn muốn rằng Chủ tịch cần phải nhỏ to và nói với từng thành viên nhẹ nhàng để họ ở lại. Tôi lúc đầu thì lắng nghe, sau đó hỏi lại vài câu thấy chị ấy im lặng. Quan hệ giữa chapter với thành viên cũng như một doanh nghiệp, ở đây là mối quan hệ win – win, tại sao Chủ tịch chapter lại phải đi nói nhỏ nhẹ với một thành viên nào đó trong khi việc đi họp mang về cơ hội kinh doanh cho họ? Thực tế đôi khi khác với điều mình nghĩ, đó là rất nhiều người tưởng hiểu hết mọi thứ, tưởng mình giỏi mọi thứ hoá ra là không phải thế. Chuyện này cũng rất bình thường nhưng cũng cần nhắc lại, rằng căn bệnh mà xã hội đang mắc phải, rất trầm kha, khó chữa, đó là bệnh “Tôi biết rồi”.
Những người hay nói “Tôi biết rồi” thường không phải là người thành công. Biết rồi khác với làm rồi, làm rồi khác với thành thạo rồi, và thành thạo cũng khác với lặp đi lặp lại sự thành thạo và sáng tạo thêm cho nó. Chính vì thế, để thành công, bạn cần phải giữ cho tâm trí của mình trống rỗng để học hỏi được nhiều hơn.
Comentarios